Giá một kim loại chiến lược sản xuất pin mặt trời tăng phi mã do nhu cầu đột biến, nguồn cung thắt chặt
Giá antimon, một kim loại chiến lược được sử dụng trong chất chống cháy, pin và đạn dược, đang tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu của ngành năng lượng mặt trời vượt xa nguồn cung, gây ra thâm hụt lớn và có rất ít dấu hiệu cho thấy khoảng cách cung – cầu sẽ thu hẹp lại.
Theo các nhà luyện kim và các nhà phân tích, giá antimon tăng đột biến và dự kiến xu hướng tăng còn tiếp diễn sẽ gây khó khăn nhất cho phương Tây vì họ phụ thuộc vào Trung Quốc - nhà sản xuất hàng đầu thế giới đối với các khoáng sản quan trọng - và cũng có thể buộc người dùng cuối cùng phải tìm giải pháp thay thế cho một số ứng dụng.
Giá antimon ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 127.500 nhân dân tệ (17.588,88 USD)/tấn hôm 29/5, tăng 56% so với đầu năm 2024, dữ liệu từ Sàn giao dịch kim loại Thượng Hải cho thấy (1 USS = 7,2489 nhân dân tệ Trung Quốc). Thel dữ liệu của Fastmarkets, giá lử châu Âu cũng đã tăng lên mức kỷ lục, 21.000 USD/tấn, tăng 75% trong năm nay.
Ngân hàng đầu tư Trung Quốc CICC mới đây cho biết, trên toàn cầu, chất lượng quặng antimon giảm và các mỏ cạn kiệt đang làm siết chặt nguồn cung khoáng sản này.
Nhà phân tích Chetan Soni của CRU cho biết: “Sự gia tăng gần như hoàn toàn do nguồn cung thúc đẩy. Không rõ khi nào những hạn chế về nguồn cung sẽ được cải thiện”.
Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy, Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất và sử dụng antimon hàng đầu thế giới trong hơn một thế kỷ, chiếm 48% sản lượng mỏ antimon toàn cầu trong năm 2023, mặc dù trữ lượng của nước này đã giảm xuống còn 640.000 tấn, giảm từ mức 950.000 tấn vào năm 2012.
Các nhà sản xuất, thương nhân và nhà phân tích cho biết nguồn cung antimon từ Nga, nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới, đã bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga góp 24% nguồn cung antimon của Trung Quốc vào năm ngoái, nhưng dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 3 và 4/2024, không có chuyến hàng antimon nào vận chuyển từ Nga vào Trung Quốc.
Reuters dẫn thông tin từ một nhà máy luyện kim Trung Quốc cho biết các nhà sản xuất atimon thành phẩm không có nguồn cung cấp quặng riêng và phải mua từ nơi khác nên công suất luyện antimon hiện chỉ đạt 25% công suất thiết kế. “Vấn đề là không có đủ quặng”, thông tin từ một công ty luyện kim khác của Trung Quốc cho biết.
Theo các nhà phân tích của China Securities, nhu cầu vũ khí và đạn dược ngày càng tăng do chiến tranh và căng thẳng địa chính trị có thể dẫn tới thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát và dự trữ quặng antimon.
Christopher Ecclestone, chiến lược gia kiêm giám đốc khai thác mỏ tại Hallgarten & Co, cho biết việc phương Tây "bí mật" mua của cũng đang thúc đẩy nhu cầu antimon. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ không biến mất và ngân sách của quân đội luôn rất lớn”.
China Merchants Securities dự báo nhu cầu antimon từ lĩnh vực quang điện, nơi kim loại được sử dụng để cải thiện hiệu suất của pin mặt trời, sẽ tăng lên 68.000 tấn vào năm 2026 từ mức 16.000 tấn vào năm 2021, với tỷ trọng của ngành quang điện trong tổng lượng tiêu thụ tăng lên 39% từ mức 11%. Họ dự kiến khoảng cách nguồn cung với nhu cầu sẽ tăng lên 21.000 tấn vào năm 2026, từ mức 8.000 tấn năm ngoái.
Nils Backeberg, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Project Blue, cho biết: “Về cơ bản khó có thể thấy nguồn cung tăng nhanh trong khi thị trường hiện tại có thể cần hơn 10.000 tấn nguyên liệu để thu hẹp mức thâm hụt”. Ông dự đoán giá sẽ được duy trì ở mức 20.000 USD/tấn trong thời gian khá lâu, nhưng dự kiến mức giá dài hạn sẽ nằm trong khoảng 12.000-14.000 USD.
Ông nói: “Với mức giá hiện tại, chúng ta sẽ thấy tác động đến nhu cầu trên thị trường”. "Sẽ có những sự thay thế, sẽ có những lựa chọn khác để giúp giảm chi phí, nhưng sẽ mất một thời gian để có được những lựa chọn thay thế đó."
Giá antimon tăng đã đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm Hunan Gold, Tibetan Huayu Mining và Guangdong Huaxi Non-Ferrous tăng 66% - 95% trong năm 2024.
Muốn gia tăng nguồn cung antimon sẽ phải mất nhiều năm, mặc dù các chính phủ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn mới.
Vào tháng 4/2024, Perpetua Resources Corp đã nhận được thư quan tâm từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ về khoản vay lên tới 1,8 tỷ USD để phát triển mỏ antimon và vàng ở Idaho, một phần trong nỗ lực của Washington nhằm bù đắp loại kim loại mà Trung Quốc đang giữ vị trí thống trị nguồn cung này.
Mỏ Stibnite của Perpetua sẽ là nguồn cung cấp antimon duy nhất của Mỹ và theo công ty này, có thể đáp ứng 35% nhu cầu của nước Mỹ trong 6 năm đầu tiên. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết gần 60 triệu USD để tài trợ cho quá trình cấp phép kéo dài 8 năm nhằm thúc đẩy sản xuất đạn và các loại vũ khí khác của Mỹ.
Tham khảo: Reuters