8 chất lạ nhưng không thể thiếu trong cuộc sống
1. Argon (Ar- số nguyên tử 18)
Argon thường được bơm vào giữa 2 lớp của tấm kính đôi trong các cửa sổ tiết kiệm năng lượng do có độ dẫn nhiệt kém dẫn đến có tác dụng tăng tính chất cách nhiệt, chặn dòng nhiệt.
Argon là một loại khí hiếm phổ biến nhất trên Trái đất, có nhiều trong khí quyển Trái đất còn hơn cả khí CO2. Không chỉ được sử dụng trong các bóng đèn sợi đốt vì không phản ứng cháy với dây tóc bóng đèn ngay cả trong nhiệt độ cao, argon còn có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, như hàn hồ quang, hay phẫu thuật bằng laser.
Nhìn chung argon khá an toàn, tuy nhiên argon nguyên chất nặng hơn không khí và có thể gây tử vong ở những nơi argon chiếm ưu thế hơn khí oxy. Ngoài ra, argon còn được sử dụng trong ngành chăn nuôi gia cầm, giúp tiêu hủy gia cầm bằng cách gây ngạt thở, song con người cũng có thể bị chết ngạt nếu phải tiếp xúc với nồng độ argon quá cao trong một không gian quá kín.
2. Europium (Eu- số nguyên tử 63)
Nếu có dịp đi qua châu Âu, hãy để ý những tờ tiền euro. Chúng có chứa một lượng nhỏ europium, một kim loại cứng màu bạc, có tác dụng như một biện pháp chống tiền giả.
Một vài nơi trên thế giới có quặng europium được khai thác, tuy nhiên các mỏ chứa đó cũng đang dần trở nên khan hiếm. Hầu như không ai quan tâm đến loại nguyên tố hiếm này cho đến khi tivi ra đời .
Chiếc tivi màu đầu tiên được thiết kế có màu sắc khá nghèo nàn: màu xanh da trời không được tươi sáng, màu vàng gần như bị tẩy trắng còn màu trắng thì trở nên xám xịt. Không một ai tìm ra phương pháp tái tạo một màu đỏ tươi và sáng, vì vậy các màu khác được giảm bớt sắc độ để duy trì sự cân bằng.
Sau khi người ta khám phá ra rằng europium có thể tạo ra sắc đỏ mạnh mẽ hiển thị trên màn hình tivi (và sau này là máy tính), cuộc tranh giành nguồn cung europium mới thực sự nổ ra. Các mỏ ở Trung Quốc, Nga và một mỏ khai thác nhỏ ở California (Mỹ) chính là nguồn cung đáp ứng phần lớn nhu cầu europium trên thế giới.
3. Scandium (Sc- số nguyên tử 21)
Scandium được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1879 bởi nhà hóa học Lars Fredrik Nilson, trong tiếng Latinh “scandia” có nghĩa là "Scandinavia" (khái niệm để chỉ một phần hoặc toàn bộ Bắc Âu). Mặc dù nó khá phổ biến trong vỏ Trái đất nhưng không ai biết cách tận dụng thứ kim loại màu bạc này cho đến 100 năm sau khi nó được khám phá.
Vào những năm 1970, các nhà luyện kim phát hiện ra rằng các hợp kim nhôm-scandium nhẹ và cứng rất hữu ích trong việc chế tạo các linh kiện hàng không vũ trụ, không lâu sau đó, các nhà sản xuất dụng cụ thể thao bắt đầu sử dụng hợp kim này để chế tạo mọi thứ, từ gậy bóng chày cho tới gậy bóng vợt.
4. Beryllium (Be- số nguyên tử 4)
Trong truyện khoa học viễn tưởng “Sucker Bait” của nhà văn Mỹ nổi tiếng Issac Asimov, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến tất cả những người đi khai hoang ở hành tinh có tên gọi Junior bị chết trước khi định cư trên bề mặt hành tinh này. Cuối cùng, một kẻ nổi loạn đã phát hiện ra chính hàm lượng beryllium trong đất quá cao đã khiến những người này chết dần chết mòn do ngộ độc kim loại.
Sự nguy hiểm của beryllium không chỉ là chuyện viễn tưởng, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư đã công nhận nguyên tố này là một chất gây ung thư. Tuy nhiên, ở một dạng khác, beryllium lại là thứ vô cùng hấp dẫn, đáng ao ước, thậm chí là vô giá. Khi kết hợp với một lượng nhỏ crom, beryllium mang một màu xanh đẹp như đá quý, thường được gọi là ngọc lục bảo.
5. Antimony (Sb- số nguyên tử 51)
Theo cách diễn giải của đại văn hào Shakespeare, antimony là tên gọi của sự phù phiếm. Nguyên tố kim loại nặng này còn được sử dụng như một thành phần trong mỹ phẩm từ những ngày đầu Ai Cập cổ đại và cho đến tận ngày nay.
Ngoài ra, antimon còn được sử dụng như một chất chống cháy trong máy bay cũng như trong quần áo, ô tô, đồ chơi của trẻ em. Hầu hết hợp kim thiếc làm nên những chiếc cốc màu bạc sáng bóng đều là sự kết hợp của thiếc, đồng và antimony.
6. Gallium (Ga- số nguyên tử 31)
Hiếm có nguyên tố nào kỳ lạ như gallium: một kim loại yếu màu bạc ánh kim được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp bán dẫn và điện tử cũng như trong ngành công nghiệp dược phẩm.
Nhiều năm trước, gallium là một phần mấu chốt trong những trò ảo thuật trong nhà được ưa chuộng của các ảo thuật gia bởi nó dễ dàng tan chảy khi gặp nhiệt độ cao hơn nhiệt độ phòng. Bởi vậy, những chiếc thìa ảo thuật làm bằng gallium bề ngoài không khác gì một chiếc thìa bình thường, nhưng chỉ cần bị nhúng vào một tách trà nóng thôi, nó sẽ biến mất ngay lập tức. Kể cả việc nắm một chiếc thìa gallium quá lâu cũng có thể khiến nó tan chảy trong lòng bàn tay.
7. Tellurium (Te- số nguyên tử 72)
Tellurium, một kim loại có màu bạc trắng được tìm thấy lần đầu tiên ở vùng Transylvania (Romania) thường được dùng trong các tấm pin năng lượng mặt trời, vi mạch bộ nhớ của máy tính và trong loại đĩa quang ghi lại nhiều lần. Cái tên Tellurium bắt nguồn từ một từ Latin có nghĩa là “đất” (tellus).
Mặc dù chưa có trường hợp người bị thương nặng vì tellurium nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng tellurium có độc tính nhẹ. Khi tiếp xúc với tellurium nồng độ cao, cơ thể sẽ bị nhiễm telluride, đồng thời hơi thở sẽ có mùi hăng như tỏi
8. Dysprosium (Dy- số nguyên tử 66)
Xếp thứ hạng cao trong danh sách những nguyên tố quý hiếm phải kể đến dysprosium, từ cổ Hy Lạp dysprositos có nghĩa là "khó thu được". Vật chất kim loại mềm này đang rất cần thiết trong chế tạo động cơ điện, đặc biệt là động cơ trong các loại xe điện và tuabin gió. Cũng bởi sự cần thiết này mà dysprosium đã được Bộ Năng lượng Mỹ đưa vào danh sách các nguyên liệu quan trọng cho nền kinh tế xanh.